Sáng nay 30/6, tại TP. Đông Hà, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Tọa đàm ứng dụng AI, Chat GPT trong cuộc sống và những điều cần lưu ý.

Tọa đàm ứng dụng AI, ChatGPT trong cuộc sống và những điều cần lưu ýToàn cảnh buổi Tọa đàm ứng dụng AI, Chat GPT trong cuộc sống và những điều cần lưu ý – Ảnh: MĐ

Từ tháng 11/2022, sự xuất hiện của một ứng dụng mới có tên gọi ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) – một Chatbot được mệnh danh là trí tuệ nhân tạo (AI) thông minh nhất thế giới do công ty khởi nghiệp OpenAI phát triển làm giới công nghệ trên toàn thế giới quan tâm và đã thu hút số lượng lớn người dùng.

Ứng dụng này có thể trò chuyện, trả lời lưu loát, đầy đủ tất cả các câu hỏi mà người dùng đưa ra chỉ trong vài giây, bất kể là về lĩnh vực gì. Với ứng dụng ChatGPT, thay vì tìm kiếm thông tin trên Google, người dùng sẽ tương tác trực tiếp như với người thật.

Điểm đặc biệt của ứng dụng này là kho kiến thức khổng lồ được hoàn thiện mà ChatGPT đã học và thu thập được trong thời gian qua. ChatGPT chỉ mới ra mắt trong một thời gian ngắn nhưng đã nhanh chóng gây sốt trên toàn cầu với hơn 1 triệu người đăng ký chỉ sau một tuần ra mắt, tính đến ngày 31/1/2023 đã cán mốc hơn 100 triệu người dùng.

Các chuyên gia công nghệ cho rằng, ChatGPT sẽ giúp OpenAI giành được lợi thế đi đầu trước những công ty phát triển AI khác. Lượng người dùng ngày càng tăng sẽ đem lại nhiều phản hồi giá trị để giúp nâng cấp Chatbot này. Tuy nhiên, công cụ này cũng đặt ra nhiều vấn đề về nguy cơ thông tin sai lệch, gian lận về học vấn…

Tọa đàm ứng dụng AI, ChatGPT trong cuộc sống và những điều cần lưu ýCác đại biểu tham dự tọa đàm – Ảnh: MĐ

Bộ TT&TT đã bước đầu thực hiện nghiên cứu, tham vấn nhiều nhóm nghiên cứu, các chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo để xây dựng Báo cáo chuyên đề về GPT, ChatGPT và đưa ra một số kiến nghị, đề xuất thúc đẩy ứng dụng và phát triển trợ lý ảo, trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam.

Nội dung báo cáo bao gồm: giới thiệu về GPT và ChatGPT; phản ứng chính sách của một số quốc gia; một số đề xuất, kiến nghị. Báo cáo tập trung vào phân tích, đánh giá các điểm mấu chốt, tạo sự đột phá của GPT và ChatGPT, đưa ra các nhận định về sự phát triển cũng như các tác động đến thị trường, xã hội và phản ứng của một số quốc gia.

Báo cáo chuyên đề này đã được gửi Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Ban Bí thư vào tháng 3/2023. Bộ TT&TT sẽ tiếp tục theo dõi, cập nhật và báo cáo trong thời gian mới.

Ngày 8/6/2023, Bộ TT&TT tổ chức Hội thảo “Dữ liệu mở và trí tuệ nhân tạo: Động lực tăng trưởng kinh tế” tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong đó, có mời các chuyên gia, tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu Việt Nam. Hội thảo đã bàn rất sâu về xu thế AI trên thế giới, định hướng và cơ hội phát triển AI tại Việt Nam.

Tọa đàm ứng dụng AI, ChatGPT trong cuộc sống và những điều cần lưu ýDiễn giả Ngô Hữu Thống giới thiệu về GPT và ChatGPT – Ảnh: MĐ

Tại buổi tọa đàm, diễn giả Ngô Hữu Thống, Phó Viện trưởng Thường trực, Viện Nghiên cứu & Ứng dụng ĐMST Doanh nghiệp 3AI, người kinh nghiệm hơn 10 năm hỗ trợ các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên và các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bảo vệ các kết quả nghiên cứu, nhãn hiệu thương hiệu và ứng dụng chuyển đổi số vào đào tạo, kinh doanh, đã trực tiếp giới thiệu về GPT và ChatGPT; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong cuộc sống, công việc…

Việc nhanh chóng nắm bắt thông tin và kỹ năng làm chủ các công cụ AI, ChatGPT là vô cùng cần thiết để nâng cao hiệu suất công việc ở mỗi cá nhân, tổ chức, và đảm bảo rằng chúng ta không chỉ tận dụng tối đa tiềm năng của công nghệ này, mà còn thích ứng và thúc đẩy sự phát triển của nó trong môi trường làm việc ngày nay.

Diễn giả trình bày thêm cách mà ChatGPT có thể giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, phát triển các chiến lược kinh doanh thông minh và nhanh chóng phản ứng với sự thay đổi của thị trường; đồng thời gợi ý một số cách sử dụng ChatGPT có thể áp dụng trong công việc cũng như cuộc sống có hiệu quả cao nhất…

Tọa đàm ứng dụng AI, ChatGPT trong cuộc sống và những điều cần lưu ýCác bạn trẻ hào hứng đặt câu hỏi xoay quanh chủ đề ChatGPT – Ảnh: MĐ

Tọa đàm ứng dụng AI, ChatGPT trong cuộc sống và những điều cần lưu ýDiễn giả Ngô Hữu Thống trả lời những vấn đề mà đại biểu và các bạn trẻ quan tâm – Ảnh: MĐ

Các đại biểu và bạn trẻ đã trực tiếp trao đổi và đưa ra nhiều câu hỏi xoay quanh chủ đề ChatGPT và cách áp dụng ChatGPT như: sự khác nhau giữa ChatGPT và Google; vấn đề sở hữu trí tuệ trong sáng tạo dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo; sử dụng ChatGPT sao cho hiệu quả việc học…

Diễn giả Ngô Hữu Thống và lãnh đạo Sở TT&TT trực tiếp trả lời những vấn đề mà các đại biểu và bạn trẻ quan tâm; đồng thời lưu ý một số cách sử dụng để khai thác hiệu quả khi sử dụng ChatGPT, cụ thể đó là ChatGPT có thể trả lời được hầu hết mọi băn khoăn, thắc mắc của người dùng thuộc bất kỳ lĩnh vực hay sử dụng ngôn ngữ nào.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một vài bất cập trong quá trình sử dụng, có một số thông tin phản hồi có thể sai lệch, không chính xác … nên mọi người phải cẩn trọng, thẩm định khi lựa chọn và sử dụng thông tin.

Hoài Nhung (Nguồn: Baoquangtri.vn)

5/5 - (1 bình chọn)
Contact Me on Zalo