LTS: Trong nền kinh tế tri thức, tài sản trí tuệ trở thành nguồn lực vô giá. Do dó, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề nóng hổi, mang tính sống còn đối với nhiều doanh nghiệp.

Chuyên mục Hỏi – Đáp cùng Thạc sĩ Ngô Hữu Thống – Chánh Văn phòng Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ (ĐHQG – HCM) – sẽ giúp độc giả WE tìm hiểu về vấn đề này. Với 9 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý khoa học và công nghệ, thường xuyên tư vấn về quản trị thương hiệu và tài sản trí tuệ cho các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, Thạc sĩ Ngô Hữu Thống sẽ mang đến những thông tin bổ ích, đầy tính thực tiễn.

 

Hỏi: Làm sao để nhận diện các tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp của mình?

Trước hết, cần nhấn mạnh tài sản trí tuệ là một loại tài sản. Bất kỳ một tổ chức hoặc cá nhân nào cũng có hai loại tài sản: một là tài sản hữu hình, gồm: nhà xưởng, máy móc, tài chính, cơ sở vật chất…; và hai là tài sản trí tuệ, gồm nhân lực, bí quyết công nghệ – giải pháp kỹ thuật, các ý tưởng, chiến lược, mô hình kinh doanh, các logo – nhãn hiệu, kiểu dáng sản phẩm…

Nói tóm lại, tài sản trí tuệ là những gì do trí tuệ con người sáng tạo ra thông qua các hoạt động tư duy, sáng tạo trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Đọc thêm bài:  Ai là tác giả của một tác phẩm được viết bởi AI?

Hỏi: Tài sản trí tuệ của doanh nghiệp có gì khác so với tài sản trí tuệ của cá nhân?

Cũng giống như tài sản hữu hình thông thường, chủ sở hữu các tài sản trí tuệ có thể là tổ chức hoặc cá nhân. Có khác chăng ở chỗ đối với các tổ chức có quy mô lớn thì có thể tạo ra nhiều tài sản trí tuệ và mức độ khai thác tài sản trí tuệ có thể sẽ hiệu quả hơn, tạo ra nhiều giá trị hơn, nhiều sản phẩm cạnh tranh tốt hơn.

Hỏi: Vai trò của tài sản trí tuệ đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) và doanh nghiệp xuất khẩu?

Ở các công ty truyền thống thì tài sản hữu hình (theo định nghĩa ở trên) là những tài sản có giá trị nhất và mang tính quyết định đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Tuy nhiên, những năm gần đây, tỷ trọng này dần thay đổi một cách cơ bản. Các doanh nghiệp đã nhận ra rằng các tài sản trí tuệ đang trở nên có giá trị hơn rất nhiều so với tài sản hữu hình.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy được điều này nếu nhìn vào tỷ trọng giá trị thị trường của các công ty thuộc danh sách S&P 500 (500 công ty có giá trị lớn nhất niêm yết trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ). Một nghiên cứu của Ocean Tomo đã chỉ ra rằng nếu như năm 1975, tài sản trí tuệ chỉ chiếm 17% giá trị thì đến nay tài sản trí tuệ hiện chiếm đến hơn 80% giá trị thị trường của các công ty S&P 500, và xu hướng đó hiện không thay đổi.

Đọc thêm bài:  Làm Gì Khi Phát Hiện Đối Thủ Ăn Cắp Nhãn Hiệu Của Bạn
Tài sản trí tuệ (màu xanh) ngày càng chiếm ưu thế trong tỷ trọng giá trị thị trườngcủa các công ty S&P 500. Nguồn: Ocean Tomo     

Chính vì tài sản trí tuệ ngày càng có giá trị nên ngày nay, nhiều doanh nghiệp hàng đầu đã chọn hình thức thuê các công ty khác thực hiện đa số các hoạt động sản xuất, còn họ chủ yếu tập trung vào việc tạo ra sản phẩm mới với kiểu dáng mới, chức năng mới, ẩn chứa bên trong công nghệ mới và chú trọng xây dựng thương hiệu (nhãn hiệu) để thu hút khách hàng. Điều này nghĩa là, trong khi sản phẩm được thiết kế một nơi thì việc sản xuất lại được thực hiện ở một nơi khác, thậm chí là một quốc gia khác.

Đối với các doanh nghiệp này, tài sản hữu hình của họ rất ít nhưng tài sản trí tuệ thì vô cùng phong phú, giá trị cực lớn. Những tên tuổi đình đám thuộc nhóm Big Tech như Apple, Google, Microsoft… đều là những công ty dạng này.

Tỷ trọng tài sản trí tuệ (màu xanh) của các công ty hàng đầu thế giới. Nguồn: Ycharts & Nasdaq

Doanh nghiệp SMEs thường là những công ty non trẻ, có nhiều ý tưởng sáng tạo nhưng quy mô nhỏ nên chắc chắc sẽ gặp một số bất lợi nhất định nếu cạnh tranh trên thị trường theo cách truyền thống. Hãy hình dung bất cứ khi nào bạn tung một sản phẩm mới vào thị trường và nếu may mắn thành công chinh phục khách hàng, thì sớm muộn gì cũng sẽ bị những công ty đối thủ với quy mô sản xuất lớn, khả năng tiếp thị vô hạn, mối quan hệ và mạng lưới phân phối rộng khắp sẽ sản xuất ra một sản phẩm tương tự với giá thành rẻ hơn.

Điều này là lý do quan trọng để các SMEs phải cân nhắc sử dụng hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ để bảo vệ cho các thành quả sáng tạo của mình. Bằng việc đăng ký bảo hộ các tài sản trí tuệ các SMEs sẽ được cấp độc quyền sử dụng các sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, các phần mềm máy tính, tác phẩm văn học nghệ thuật… và nhiều tài sản trí tuệ khác. Nhờ đó, doanh nghiệp hạn chế được hành vi sao chép hoặc bắt chước của đối thủ, tăng vị thế cạnh tranh của mình trên thị trường một cách đáng kể.

Đọc thêm bài:  Bảo Vệ Sở Hữu Trí Tuệ: Tại Sao Lại Quan Trọng?

Tất cả những điều trên cũng được khuyến cáo áp dụng đối với những công ty có ý định xuất khẩu sản phẩm của mình sang thị trường nước ngoài. Vì phạm vi bảo hộ của hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ mang tính lãnh thổ, tức là tài sản trí tuệ của bạn chỉ được bảo hộ ở những quốc gia đã được chỉ định trước. Thông thường các doanh nghiệp thường chọn đăng ký bảo hộ trong nước trước, rồi sau đó mới đăng ký ở những thị trường xuất khẩu tiềm năng.

Nhưng cần lưu ý rằng việc đăng ký bảo hộ phải được thực hiện trước khi quyết định xuất khẩu hàng hoá vì hai lý do chính sau: 1. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của bạn tại thị trường xuất khẩu; 2.Thông qua việc đăng ký bảo hộ, bạn sẽ biết được sản phẩm của mình đã có sản phẩm tương tự được bảo hộ ở thị trường xuất khẩu tiềm năng hay chưa.

Từ đó, doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh, tránh tình trạng sản xuất ra mà không xuất khẩu được.

(Còn tiếp)

Link bài viết gốc: 

https://we.eiindustrial.com/so-huu-tri-tue-doanh-nghiep-thoi-ky-thuat-so-1/

Hãy đánh giá 5 sao để ủng hộ tác giả
Contact Me on Zalo