Sáng ngày 22/06/2023, buổi báo cáo chuyên đề “Tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ trong kinh doanh” đã diễn ra với sự tham dự đông đảo của Thầy cô và sinh viên để lắng nghe ThS Ngô Hữu Thống – Phó Viện trưởng thường trực Viện nghiên cứu ứng dụng và đổi mới sáng tạo doanh nghiệp chia sẻ nhiều nội dung thú vị của chuyên đề.

Quá trình phát triển kinh tế phải đi kèm với khả năng khuyến khích, thúc đẩy và duy trì đổi mới sáng tạo. Để tối ưu hóa giá trị của đổi mới sáng tạo, mỗi nền kinh tế cần tập trung xây dựng hệ thống pháp lý rõ ràng, trong đó ghi nhận vai trò của sở hữu trí tuệ, đồng thời xác định và bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ cho tác giả và các nhà phát minh.

“Trong xu thế phát triển và hội nhâp kinh tế như hiện nay, doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ khi tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh dù ít hay nhiều đều liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, đây được xem như là một tài sản lớn, hữu ích. Đặc biệt là quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp, nó có ý nghĩa ngày càng lớn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa của mỗi tổ chức, đơn vị sản xuất kinh doanh. Vai trò của quyền sở hữu trí tuệ ngày càng được các doanh nghiệp coi trọng”, ThS Ngô Hữu Thống nhấn mạnh.

Đọc thêm bài:  Làm Gì Khi Phát Hiện Đối Thủ Ăn Cắp Nhãn Hiệu Của Bạn

Quyền sở hữu trí tuệ là các quyền sở hữu đối với kết quả của hoạt động sáng tạo của con người. Quyền sở hữu trí tuệ bao gồm quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học kĩ thuật… Để giải thích cho vấn đề này, ThS Ngô Hữu Thống chia sẻ: “Sở hữu trí tuệ bao gồm ba nhóm: nhóm quyền tác giả và quyền liên quan; nhóm sở hữu công nghiệp; quyền đối với giống cây trồng. Trong đó, quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Còn quyền liên quan là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa”.

Diễn giả cũng đánh giá quyền sở hữu công nghiệp trong kinh doanh là một quyền rất quan trọng. Đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp liên quan trực tiếp đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại và các đối tượng này có thể chia thành hai nhóm cơ bản: Các đối tượng mang tính sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp như sáng chế, kiểu dáng, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn..

Đọc thêm bài:  Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động báo chí

Không khí buổi báo cáo trở nên sôi nổi hơn khi nhận được nhiều ý kiến, câu hỏi thắc mắc về luật sở hữu trí tuệ của Thầy Cô và các bạn sinh viên tham dự. Với câu hỏi của một bạn sinh viên về việc nên đăng ký sở hữu trí tuệ cho một dự án khởi nghiệp với chủ đề chăm sóc sức khỏe, thì cần đăng ký những quyền nào và thời điểm nào là thích hợp. Để trả lời cho câu hỏi này, ThS Ngô Hữu Thống đưa ra lời khuyên: “Đầu tiên cần phải đặt tên cho dự án và đăng ký nhãn hiệu. Tiếp đến là xem xét nội hàm, giải pháp và quy trình chăm sóc sức khỏe đó có sử dụng công nghệ gì đặc biệt không, những cái người khác có thể sao chép được thì nên đăng ký bảo hộ. Về hình thức sẽ đăng ký dưới dạng sáng chế”.

Có thể thấy, việc nắm vững pháp luật về hệ thống sở hữu trí tuệ như quyền tác giả, nhãn hiệu, sáng chế, quyền đối với giống cây trồng, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh và các lĩnh vực khác sẽ hỗ trợ thế hệ trẻ xây dựng, kiến tạo tương lai một cách chắc chắn và bền vững hơn.

 

Tin, hình: Trường Đại học Hùng Vương TP. HCM

5/5 - (1 bình chọn)
Contact Me on Zalo