Đăng ký bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ trong đó có bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu công nghiệp, thiết kế bố trí mạch bán dẫn (chip), quyền tác giả, giống cây trồng… Đó là việc các chủ sở hữu thực hiện một số thủ tục pháp lý để tiến hành bảo hộ các kết quả sáng tạo của mình. Làm cho chúng trở thành những thông tin độc quyền, nghĩa là được tiếp cận có điều kiện với đa số công chúng. Tuy nhiên, sứ mệnh ban đầu của trường đại học không phải như vậy.

Tài sản trí tuệ của trường đại học

Tài sản trí tuệ trong nghiên cứu khoa học

Thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, các trường đại học – viện nghiên cứu sẽ hình thành một số kết quả nghiên cứu nhất định. Một số sẽ được công bố rộng rãi ra cộng đồng dưới dạng các báo cáo khoa học hay đăng trên các tạp chí. Một số có khả năng được cấp bằng độc quyền sáng chế nếu nhà trường cân nhắc đến tiềm năng thương mại. Tuy nhiên, đa số trong đó đòi hỏi phải tiếp tục đầu tư nghiên cứu và phát triển hơn nữa trước khi được thương mại hóa.

Đọc thêm bài:  Hỏi đáp SHTT Tập 5: Làm sao để tôi biết được nhãn hiệu của mình không vi phạm nhãn hiệu đã đăng ký?

Tài sản trí tuệ trong giảng dạy

Bên cạnh đó, các hoạt động giảng dạy của trường đại học – viện nghiên cứu cũng sẽ tạo ra nhiều tài sản trí tuệ, chẳng hạn như tài liệu giảng dạy, luận văn, phần mềm hoặc thiết kế bố trí. Internet và các công cụ hiện đại đã không chỉ thúc đẩy việc truy cập nhiều hơn vào các tài liệu học thuật, mà còn tạo ra sự xung đột lớn hơn về quyền sở hữu trí tuệ của các trường đại học – viện nghiên cứu. Vì vậy, để tránh các tranh chấp pháp lý, các trường đại học – viện nghiên cứu thường cũng thực hiện một số biện pháp nhằm xác lập quyền sở hữu đối với các tài sản trí tuệ trên. Hơn nữa, việc này còn là để đối phó với khả năng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tài liệu giảng dạy, tiếp cận thông tin học thuật và sử dụng tài liệu của các bên thứ ba.

Trường đại học đóng góp tri thức miễn phí cho nhân loại

Các trường đại học truyền thống thường có sứ mệnh phục vụ cộng đồng bằng cách cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp sản xuất, dịch vụ…. Trong quá trình thực hiện sứ mệnh đó, các trường đại học thường công bố các kết quả nghiên cứu của họ, làm cho chúng trở nên miễn phí với đa số công chúng. Mặc dù, cơ chế đăng bài của các Nhà xuất bản hiện nay khiến cho chúng không còn thực sự miễn phí. Chẳng hạn như buộc các tác giả phải trao quyền sở hữu bài báo cho nhà xuất bản. Điều này có nghĩa là các nhà xuất bản có quyền thu phí khi ai đó muốn đọc bài báo của các tác giả. Tuy nhiên, triết lý công bố thông tin khoa học để đóng góp tri thức cho nhân loại vẫn không thay đổi về mặt bản chất.

Đọc thêm bài:  Doanh nghiệp vừa và nhỏ có cần quan tâm đến sở hữu trí tuệ không?

ISI và Scopus được cho là các danh mục tạp chí uy tín nhất hiện nay

Trường đại học phải bảo vệ được tài sản trí tuệ để hợp tác doanh nghiệp

Ngày nay, các trường đại học dần nhận thấy việc phải hợp tác chặt chẽ với khối doanh nghiệp để tìm kiếm khả năng thương mại hoá các kết quả nghiên cứu, nhằm đa dạng hoá nguồn thu cho đại học. Điều này có nghĩa là từ các kết quả nghiên cứu của trường đại học, các doanh nghiệp sẽ là bên biến nó thành sản sẩm hoặc dịch vụ đáp ứng được nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, khi đã tham gia vào sân chơi này, đòi hỏi phải các trường đại học phải bảo vệ được các lợi thế cạnh tranh như các quyền SHTT đối với sáng chế, các bí mật kinh doanh… Hơn thế nữa, xu thế toàn cầu hóa nhanh chóng đòi hỏi các trường đại học và viện nghiên cứu phải mở cửa cho sự hợp tác quốc tế. Lúc này, họ phải làm quen với việc đảm bảo rằng các kết quả nghiên cứu phải được bảo vệ và quản lý hiệu quả. Điều đó chỉ được thực hiện bằng cách sử dụng hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Đại học Quốc gia TP. HCM vừa nhận được bằng bảo hộ độc quyền sáng chế của Hoa Kỳ (Nguồn: IPTC.VN)

Tóm lại, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và xu hướng hợp tác chặt chẽ giữa đại học và doanh nghiệp, các trường đại học không chỉ thực hiện sứ mệnh truyền thống mà còn phải cung cấp được những sản phẩm nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trong xu thế đó, các trường đại học phải làm quen với việc có các biện pháp để bảo vệ các tài sản trí tuệ là các kết quả nghiên cứu, các công nghệ tiềm năng của mình. Từ đó, khai phá khả năng thương mại, mang lại nguồn thu dồi dào để tái đầu tư cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của mình.

Hãy đánh giá 5 sao để ủng hộ tác giả
Contact Me on Zalo