LTS: Trong Phần 1, Thạc sĩ Ngô Hữu Thống đã trao đổi với WE về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Phần 2 sẽ tập trung giải đáp thắc mắc về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp trong thời đại số, và khai thác lợi thế của nó để gọi vốn cho startup. 

Hỏi: Làm thế nào để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp?

Hệ thống sở hữu trí tuệ cho phép các tài sản trí tuệ được bảo hộ theo nhiều quyền sở hữu trí tuệ khác nhau, thậm chí một tài sản trí tuệ có thể được cấp nhiều quyền sở hữu trí tuệ.

Tuỳ theo bản chất của tài sản trí tuệ mà bạn có thể chọn các hình thức bảo hộ khác nhau.

Ví dụ: các sản phẩm và quy trình kỹ thuật sáng tạo có thể được bảo hộ dưới dạng độc quyền sáng chếhoặc độc quyền giải pháp hữu ích; các kiểu dáng độc dáo của sản phẩm có thể được bảo hộ độc quyền kiểu dáng công nghiệp; các logo biểu trưng có thể được bảo hộ độc quyền nhãn hiệu công nghiệp; các thiết kế mạch bán dẫn hay còn gọi là Chip, IC được bảo hộ theo hình thức thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, một số thông tin mật có giá trị thương mại của doanh nghiệp có thể chọn hình thức bảo hộ dưới dạng bí mật thương mại.

Các quyền này được gọi chung là quyền sở hữu công nghiệp được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ (ngoại trừ bí mật thương mại không cần đăng ký). Ngoài ra, các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, phần mềm máy tính (mobile, app) sẽ được bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan… thuộc thẩm quyền xử lý của Cục Bản quyền tác giả.

Điều quan trọng là các doanh nghiệp phải hiểu về hệ thống sở hữu trí tuệ của quốc gia, kết hợp với sự am hiểu về sản phẩm của chính mình để lựa chọn cách thức bảo hộ hiệu quả nhất, tránh bị sao chép. Nói cách khác, khi đưa một sản phẩm vào thị trường bạn cần tự hỏi: yếu tố nào trong sản phẩm này sẽ thu hút khách hàng? Yếu tố nào khiến nó khác biệt với các sản phẩm tương tự trên thị trường: có phải là những đặc điểm kỹ thuật, hay kiểu dáng độc đáo của sản phẩm, do thương hiệu (logo) hay các nội dung văn học nghệ thuật có trong sản phẩm…?

Đọc thêm bài:  Làm thế nào để được bảo hộ độc quyền logo, tên gọi của blog hoặc website của bạn

Trả lời được các câu hỏi này sẽ gợi ý cho bạn lựa chọn đúng đắn trong chiến lược bảo vệ tài sản trí tuệ. Có thể chỉ cần bảo hộ một đặc điểm duy nhất, cũng có thể bảo hộ một tập hợp các tài sản trí tuệ khác nhau liên quan đến sản phẩm.

Cho dù quyết định cuối cùng là gì thì điều quan trọng và tốt nhất cho doanh nghiệp là hãy thực hiện thủ tục bảo hộ, ít nhất là cho nhãn hiệu (logo) của bạn.

Hỏi: Làm sao để tránh vô tình vi phạm sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp khác?

Việc vô tình vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là hiện tượng khá phổ biến hiện nay. Điều này thường xuất phát từ một số nguyên nhân sau:

  • Tin rằng bảo hộ sở hữu trí tuệ có tính toàn cầu: một số người nghĩ việc đăng ký và nhận được bằng độc quyền tại Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc được bảo hộ trên toàn cầu. Nhưng quyền sở hữu trí tuệ luôn có tính lãnh thổ, các quốc gia khác nhau có các quy định và thủ tục đăng ký khác nhau (ngoại trừ quyền tác giả được bảo hộ tự động ở nhiều nước).
  • Không kiểm tra xem nhãn hiệu (logo) đã bị đối thủ đăng ký ở thị trường xuất khẩu hay chưa: mặc dù nhãn hiệu của bạn có thể đã được đăng ký trong nước tuy nhiên nó cũng có thể đã được một công ty khác đăng ký ở thị trường xuất khẩu của bạn. Việc sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với một nhãn hiệu khác có thể bị coi là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hàng hoá của công ty bạn có thể sẽ bị cấm nhập khẩu và bồi thường thiệt hại.
  • Nộp đơn đăng ký quá trễ: Đối với một số quyền sở hữu trí tuệ như sáng chế hay kiểu dáng công nghiệp, bạn chỉ có một thời hạn nhất định kể từ lúc đăng ký trong nước để tiếp tục đăng ký tại thị trường nước ngoài gọi là “thời hạn ưu tiên” (01 năm đối với sáng chế, giải pháp hữu ích và 6 tháng đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp). Quá thời hạn này mà bạn chưa thực hiện thì bạn sẽ có nguy cơ mất đi khả năng bảo hộ tại nước đó.
Đọc thêm bài:  Tận dụng sức mạnh của thông tin sáng chế trong chiến lược kinh doanh

Hỏi: Trong môi trường kỹ thuật số, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ có điểm đặc thù gì khác với môi trường truyền thống?         

Nếu so sánh với môi trường truyền thống (như môi trường tự nhiên hay môi trường văn hoá) thì môi trường kỹ thuật số chỉ mới được hình thành khoảng vài thập kỷ gần đây. Tuy nhiên, chúng phát triển một cách nhanh chóng và trở thành một môi trường gắn chặt với đời sống, sinh hoạt, làm việc của con người. Với điện thoại thông minh, máy tính xách tay và internet, chúng ta có thể tìm kiếm thông tin, làm việc, liên lạc, giải trí… Có thể nói cuộc sống ngày nay không thể thiếu môi trường kỹ thuật số.

Đối với các doanh nghiệp, khi nói đến môi trường kỹ thuật số, không thể không kể đến môi trường kinh doanh trực tuyến hay thương mại điện tử.

Trong thực tế, môi trường kinh doanh trực tuyến với các công ty “.com” lại đang là nơi diễn ra sôi động các hoạt động mua bán kinh doanh quyền sở hữu trí tuệ và các hợp đồng li-xăng nhiều hơn nơi nào nhất. Âm nhạc, tranh ảnh, phần mềm máy tính, kiểu dáng, chương trình đào tạo, các hệ thống công nghệ… là những tài sản trí tuệ thường được mua bán trên môi trường này.

Một trong những yêu cầu tiên quyết đối với những sản phẩm đang mua bán trên môi trường kỹ thuật số là phải được bảo hộ bằng cách sử dụng hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ và những công nghệ an ninh, nếu không chúng sẽ dễ dàng bị đánh cắp và toàn bộ doanh nghiệp có thể bị huỷ hoại ngay lập tức.

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là chuyện sống còn của nhiều doanh nghiệp thời đại số (Ảnh: unsplash.com)

Đối với các doanh nghiệp thương mại điện tử thì có hai tài sản trí tuệ cần phải quan tâm hàng đầu là: thương hiệu tên miền.

Tại sao cần phải chú trọng hơn đến xây dựng thương hiệu?

Trong môi trường kỹ thuật số, khách hàng thường giao dịch ở một nơi rất xa và hầu như có rất ít liên hệ trực tiếp nào để đảm bảo sự trung thực về chất lượng hàng hoá và tài chính của công ty bạn. Do đó, họ thường rất thận trọng khi mua sắm trên các trang thương mại điện tử. Thương hiệu rất cần sự công nhận và niềm tin của khách hàng, đồng thời cũng phải được bảo vệ bởi luật sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu, và luật cạnh tranh không lành mạnh.

Đọc thêm bài:  Bộ nhận diện thương hiệu là gì? Làm thế nào để thiết kế bộ nhận diện thương hiệu triệu người mê

Trong khi đó, tên miền đảm bảo cho sự hiện diện của doanh nghiệp trên internet. Chức năng chính của tên miền là giúp khách hàng có thể ghi nhớ, nhận biết doanh nghiệp (tương tự như chức năng của nhãn hiệu) và di chuyển ngay lập tức đến trang web công ty của bạn, và do đó có thể nói nó còn quan trọng hơn cả hệ thống nhãn hiệu của bạn.

Hỏi: Sở hữu trí tuệ có phải là “vũ khí” hữu hiệu giúp các startup tăng cơ hội gọi vốn thành công không?

Theo tôi, sở hữu trí tuệ phải là “công cụ” giúp cho mối quan hệ giữa các nhà sáng lập và nhà đầu tư trở nên công bằng hơn, minh bạch hơn, nhất là trong việc gọi vốn.

Khi đàm phán gọi vốn, các startup buộc phải thể hiện tất cả những gì mình có nhằm thuyết phục các nhà đầu tư. Đó có thể là các bí quyết công nghệ, kiểu dáng sản phẩm mới, hoặc các báo cáo số liệu về tài chính, tệp khách hàng… Đây là những tài sản trí tuệ mà một khi được bộc lộ thì nguy cơ bị sao chép rất cao, nhất là hiện nay các chương trình gọi vốn thường được ghi hình và truyền đến toàn bộ công chúng.

Do đó, trước khi gọi vốn, các startup cần phải cân nhắc việc bảo hộ các tài sản này theo các phương thức như tôi có nói ở trên. Về phía các nhà đầu tư và ngân hàng, rõ ràng là họ sẽ có khả năng cao bị thuyết phục với những cơ hội kinh doanh đối với các sản phẩm, ý tưởng mới mẻ và hơn thế nữa, còn được pháp luật bảo hộ cẩn thận.

Rất cảm ơn ông đã dành cho WE cuộc hỏi – đáp rất thú vị. Kính chúc ông nhiều sức khỏe và thành công.

Link bài viết gốc:

https://we.eiindustrial.com/so-huu-tri-tue-doanh-nghiep-thoi-ky-thuat-so-2/

Hãy đánh giá 5 sao để ủng hộ tác giả
Contact Me on Zalo